Content

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Sức Mạnh Của Dư Luận

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều dư luận, định kiến, những lời bàn ra, tiếng vào về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Vậy liệu những dư luận đó có khiến người khác vui hay chỉ khiến họ thêm mệt mỏi và lo lắng. Sau đây là một thông tin về việc chuẩn bị cho kỳ thi chung của cả nước sắp tới:
Đành phải chờ “nước đến chân”

Tại nhiều trường THPT công lập ở TP.HCM, công tác hướng dẫn, giới thiệu cho HS về những điểm mới của kỳ thi quốc gia năm nay đang được thực hiện trong những buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp.

Tuy nhiên công tác tư vấn thì chưa. “Chưa ai dám tư vấn gì cho HS khi mà chính giáo viên chúng tôi vẫn đang hoang mang không biết phương án tuyển sinh của các trường sẽ ra sao, nên chọn trường nào, ngành nào để giảm thiểu số môn thi. HS hỏi mình đều trả lời là chưa biết, đang chờ, bản thân các em cũng gặp khó khăn bởi với những em có sức học trung bình, việc quyết định chọn ngành nào, trường nào, khối thi nào ở thời điểm này hết sức quan trọng” - giáo viên phụ trách hướng nghiệp một trường THPT tại Q.10 than thở.

Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp), một giáo viên cho biết hiện nay HS đang ôn tập ba môn thi bắt buộc và một môn tự chọn. Điều cả giáo viên lẫn HS băn khoăn nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH sử dụng chung một đề thì cấu trúc đề sẽ ra sao, ngoài bốn môn này khả năng HS phải học thêm 1-2 môn nữa. “Bộ cứ thay đổi xoành xoạch khiến cả thầy lẫn trò trở tay không kịp. Lúc đầu nói thi không theo khối, bây giờ lại theo khối, năm ngoái ngoại ngữ có viết bài luận (kỳ thi tốt nghiệp), năm nay lại thi trắc nghiệm hoàn toàn...” - cô nói thêm.

Tại một trường THPT ở Q.5, hiệu trưởng nêu quan điểm: “Với cách thi này, đành chấp nhận HS học lệch. Cơ chế này mà khuyến khích HS học đều tất cả các môn cũng khó. Chính bản thân ban giám hiệu cũng lúng túng huống gì HS. Việc học cần trải đều chứ không phải chờ nước đến chân mới nhảy. Nhưng giờ trường nào cũng phải chờ các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh, mà tới lúc đó thì nước đến chân rồi, không biết nhảy có kịp không! Hiện nay chưa thể nói lợi hay hại, nhưng trước mắt HS đã thiệt thòi khi định hướng chọn ngành, chọn nghề. Giáo viên các bộ môn thì rất tâm tư vì bây giờ cùng làm nghề nhưng người thì HS đăng ký dạy không hết, người thì ngồi chơi không”.

Tại trường này, nhà trường đã bước đầu tư vấn cho HS và đề nghị phụ huynh hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho con em. HS cũng được giáo viên đề nghị suy nghĩ, chọn môn thi theo năng lực của mình, tránh trường hợp chọn môn theo phong trào, theo bạn bè nhưng không phù hợp, phải đổi lại khi không còn thời gian nữa. Mỗi em sẽ đăng ký các môn thi thứ 4 và thứ 5, 6 (nếu có), tùy khả năng và định hướng của từng em. Sau đó nhà trường mới có kế hoạch ôn tập.

“Các trường cần đưa ra phương án tuyển sinh càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gây một sự nhốn nháo, xáo trộn không hề nhỏ khi công bố. Việc công bố chậm, ảnh hưởng đến việc ôn tập có thể sẽ khiến nguyện vọng nghề nghiệp của HS không thực hiện được. HS đang than thở rất nhiều và thường nói: “Các thầy ở trên cứ bảo an tâm đi, các thầy có đặt mình vào vị trí chúng em đâu mà biết” - hiệu trưởng một trường tư thục tại Tân Phú nêu ý kiến.


"Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" (Lc 9,9)
Đến với lời Chúa ngày hôm nay, khi nghe dân chúng bàn tán xôn xao về Đức Giêsu, vua Hêrôđê vô cùng bàng hoàng và tò mò vì không biết lời đồn có như dân chúng nói. Bởi lẽ, khi nghe dân chúng đồn rằng Đức Giêsu là ông Gioan, người mà vua Hêrôđê đã chém đầu sống lại thì vua sợ hãi vì tội lỗi của mình. Tuy nhiên, lý do vua muốn gặp Chúa Giêsu không phải vì vua ăn năn tội lỗi nhưng vì ông ta muốn kiểm chứng lời đồn đó đúng hay không.

Trở lại với thông tin mà tôi gửi tới anh chị em, tôi xin nêu quan điểm của tôi: Tất cả những mà chúng ta nghe được dù dư luận đó đúng hay sai, thì chúng ta cứ hãy bình tĩnh giáo dục và dạy dỗ các em thành một con người thật sự trưởng thành và giúp các em cảm thấy thật sự an tâm về quyết định tương lai của mình sau này.Các thầy cô thân mến, hãy dạy các em bằng cả con tim để dù tình hình thi cử có thay đổi thế nào thì chính sự tận tâm của các thầy cô là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các em vơi đi sự lo lắng và sợ hãi đối với tình thế đầy khắc nghiệt này.

Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, chúng con có nhiều nỗi sợ hãi và lo toan vì những dư luận cũng giống như vua Hêrôđê kia. Bởi lẽ, chúng con yếu đuối và chúng con tội lỗi. Chúng con xin Chúa tăng dũng khí và đức tin để chúng con đủ sức chống chọi với những dư luận đấy và sống trong bình an của Chúa. Amen.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Behind The Web

Được tạo bởi Blogger.

Something